Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng

http://thpttasinthang.dienbien.edu.vn


Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng

Căn cứ Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ kết quả thảo luận, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị, các tổ chuyên môn, Văn phòng về Dự thảo Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng;
Căn cứ nội dung đã được thống nhất giữa Ban giám hiệu và Ban chấp hành Công đoàn nhà trường;
Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng
SỞ GD&ĐT ĐIỆN BIÊN
TRƯỜNG THCS&THPT TẢ SÌN THÀNG
------------
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do –Hạnh phúc
---------------------------------------------
Số:  435/QĐ-THCS&THPTTST Tủa Chùa, ngày 22 tháng 9 năm 2022
 
 
QUYẾT ĐỊNH
V/v Ban hành Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VÀ THPT TẢ SÌN THÀNG
Căn cứ Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ kết quả thảo luận, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị, các tổ chuyên môn, Văn phòng về Dự thảo Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng;
Căn cứ nội dung đã được thống nhất giữa Ban giám hiệu và Ban chấp hành Công đoàn nhà trường;
Xét đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng.
Điều 2. Quyết định này có Hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế cho các Quyết định đã được ban hành về Quy chế hoạt động của Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng trước đây.
Điều 3. Các ông (bà) Phó Hiệu trưởng, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn TNCSHCM, Tổ trưởng các tổ Chuyên môn, Văn phòng, giáo viên và nhân viên trong nhà trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Sở GD&ĐT (Phòng TCCB);
- Như Điều 3;
- Lưu: VT.           

    
HIỆU TRƯỞNG
 
(Đã ký)
 
 
Trần Huy Hoàng
 
 
 
 
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA TRƯỜNG THCS VÀ THPT TẢ SÌN THÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:435 /QĐ-THCS&THPTTST, ngày 22/9/2022
của Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa)
 
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
Quy chế hoạt động quy định và điều chỉnh các mối quan hệ công tác, quan hệ giáo dục trong nhà trường. Đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, tôn trọng lẫn nhau và phải tuân thủ đúng các quy định trong Luật Giáo dục, Điều lệ trường trung học nói riêng và pháp luật nói chung.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC CÁ NHÂN VÀ TỔ CHỨC
Điều 1. Nhiệm vụ quyền hạn của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng
Hiệu trưởng là người lãnh đạo cao nhất trong nhà trường, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo đúng Điều lệ trường trung học. Chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp trên và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Trực tiếp phân công nhiệm vụ cho các phó Hiệu trưởng. Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực: Tư tưởng chính trị, tổ chức bộ máy, kế hoạch, tài chính và một số công tác khác.
Phó Hiệu trưởng thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về các lĩnh vực công tác được Hiệu trưởng phân công. Khi được Hiệu trưởng phân công cần xây dựng kế hoạch thực hiện và trình Hiệu trưởng trước khi triển khai.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm kỳ bổ nhiệm của tổ trưởng, tổ phó
Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và phó Hiệu trưởng (trong lĩnh vực được Hiệu trưởng phân công) về toàn bộ hoạt động do mình phụ trách. Tổ phó chịu trách nhiệm trước tổ trưởng về nhiệm vụ được tổ trưởng phân công. Tổ trưởng, tổ phó được Hiệu trưởng bổ nhiệm mỗi năm một lần vào đầu năm học. Trong trường hợp cần thiết, Hiệu trưởng có thể miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó và bổ nhiệm người khác thay thế.
a) Nhiệm vụ của Tổ trưởng
- Chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ; hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của các tổ viên theo quy định chung.
- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đánh giá xếp loại các thành viên của tổ theo quy định hiện hành.
- Tiếp nhận, xử lý và giải quyết các yêu cầu của tổ viên theo phạm vi chức trách được giao, trong trường hợp vượt quá thẩm quyền cần trình Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng (đối với lĩnh vực được phân công) để giải quyết.
- Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn thanh niên và các bộ phận khác trong nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ, của các bộ phận chức năng cũng như nhiệm vụ chung của nhà trường.
- Dự kiến phân công công tác chủ nhiệm và công tác giảng dạy của các tổ viên trình Hiệu trưởng phê duyệt.
- Xây dựng kế hoạch định kỳ hàng tuần (nộp trước thứ bảy), hàng tháng (nộp trước ngày 28) và gửi bản điện tử cho thư ký hội đồng trường để tổng hợp báo cáo hiệu trưởng.
- Xây dựng ngân hàng đề kiểm tra đối với các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Xây dựng kế hoạch thực hiện các bài kiểm tra từ 15 phút của tổ theo từng học kỳ (tính theo đơn vị tuần). Kế hoạch phải được trình Ban giám hiệu phê duyệt chậm nhất là ngày 15/9 đối với học kỳ I và ngày 15/1 đối với học kỳ II.
- Xây dựng kế hoạch dự giờ, thăm lớp thường xuyên và định kỳ. Tổ chức rút kinh nghiệm giờ dạy theo quy định chung.
- Tổ chức, duy trì nề nếp sinh hoạt chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
- Đánh giá xếp loại viên chức định kỳ theo quy định hàng tháng, học kỳ và cả năm.
- Đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, nhận xét đánh giá xếp loại tổ viên hàng năm.
- Hội ý tổ, nhóm chuyên môn khi cần thiết, chủ động tổ chức dạy bù đối với các lớp giáo viên tổ mình chậm chương trình theo quy định chung, định kỳ báo cáo phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
- Hàng tuần kiểm tra việc ghi nhận xét của nhóm trưởng chuyên môn trong lịch báo giảng của giáo viên trong nhóm đã được tổ phân công (ghi rõ người kiểm tra, ngày kiểm tra, số tiết thực dạy, số tiết dạy thay, ......)
- Đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc cập nhật điểm vào sổ điểm của lớp. Việc cập nhật điểm phải hoàn thiện chậm nhất sau 01 tuần đối với bài kiểm tra thường xuyên và 02 tuần đối với bài kiểm tra giữa kỳ (trừ các yêu cầu khác của Ban giám hiệu khi cần thống kê, tổng hợp, báo cáo).
b) Nhiệm vụ của tổ phó
Điều hành hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn trong lĩnh vực được tổ trưởng phân công. Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng và cấp trên nhiệm vụ được giao phụ trách.
Điều 3. Nhiệm vụ của giáo viên bộ môn
- Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục; soạn bài; dạy thực hành thí nghiệm, kiểm tra, đánh giá theo quy định; vào sổ điểm, ghi học bạ đầy đủ, lên lớp đúng giờ, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn.
- Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.
- Rèn luyện đạo đức, học tập văn hóa, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.
- Thực hiện Điều lệ trường Trung học; thực hiện các quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh; đối xử công bằng với học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, với các giáo viên khác, với gia đình học sinh, với Đoàn thanh niên trong việc dạy học và giáo dục học sinh.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng đề, ma trận kiểm tra theo yêu cầu của Nhà trưởng.
- Tổ chức chấm và trả bài kiểm tra ngay sau khi tổ chức kiểm tra. Phải hoàn thiện việc chấm, trả bài và thông báo điểm cho học sinh chậm nhất là 01 tuần (đối với bài kiểm tra thường xuyên), 02 tuần (đối với bài kiểm giữa kỳ) tính từ thời điểm tổ chức kiểm tra.
- Niêm yết lịch báo giảng của cá nhân lên bảng ở phòng Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, chậm nhất là hết tiết 5, sáng ngày thứ hai hàng tuần (trừ trường hợp đặc biệt), khi có điều chỉnh phải báo cáo cấp trên trước khi thực hiện.
- Trong quá trình giảng dạy, nếu có học sinh vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục học tập thì giáo viên bộ môn yêu cầu một học sinh trong Ban cán sự hoặc trong Ban Chấp hành Chi đoàn của lớp đưa học sinh đó về phòng y tế của trường để nhân viên y tế trực tiếp giải quyết. Tuyệt đối không được để học sinh tự ý về phòng hoặc cho nghỉ.
- Giáo viên bộ môn có trách nhiệm nhận xét, đánh giá và ký sổ đầu bài đúng quy định ngay sau khi kết thúc tiết dạy.
Điều 4. Giáo viên không được có các hành vi sau
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh, đồng nghiệp, người khác.
- Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
- Xuyên tạc nội dung giáo dục.
- Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
- Hút thuốc, uống rượu, bia trong khu vực trường.
- Nghe, trả lời bằng điện thoại di động khi đang dạy học, khi đang tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường (trừ trường hợp đặc biệt nếu cần thiết và cấp bách).
- Trang phục không đúng quy định (quần cạp trễ, quần đùi, váy ngắn, áo ngắn, cổ trễ, cởi trần, đi dép lê…).
- Tự ý cho học sinh nghỉ tiết học không vì lý do sức khỏe.
Điều 5. Hồ sơ của giáo viên bộ môn gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); lịch báo giảng; sổ điểm cá nhân; sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp); sổ tổng hợp.
Điều 6. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp
- Thay mặt nhà trường triển khai các chủ chương, các quy định, các biện pháp giáo dục học sinh đối với học sinh lớp mình chủ nhiệm.
- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của lớp.
- Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, với Đoàn thanh niên và các tổ chức có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp do mình chủ nhiệm.
- Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ của học sinh.
- Báo cáo thường kỳ và đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng và trong kỳ họp giao ban.
- Sau khi đình chỉ việc học tập của học sinh (theo thẩm quyền đã quy định) cần phải báo cáo trực tiếp với Hiệu trưởng. Công tác xử lý học sinh phải thực hiện khách quan, dân chủ và đúng quy trình.
- Thực hiện chế độ báo cáo và thu các khoản kinh phí theo quy định phải chính xác, đầy đủ và kịp thời.
- Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc quản lý học sinh 15 phút đầu giờ (kiểm tra sĩ số học sinh, kiểm tra việc thực hiện nội quy, nề nếp, kiểm tra công tác vệ sinh và trật tự nội vụ trong lớp,…).
- Lập sổ chủ nhiệm lớp theo quy định chung. Sổ chủ nhiệm lớp phải thể hiện rõ phương hướng, kế hoạch trong từng tháng, từng kỳ và cả năm học; phải có phần theo dõi học sinh cá biệt và biện pháp giáo dục học sinh cá biệt.
- Bảo quản tốt sổ đầu bài, sổ gọi tên ghi điểm của lớp (sổ điểm cái) theo đúng quy định. Phần theo dõi ý thức học tập của học sinh trong sổ điểm phải được cập nhật thường xuyên theo tuần. Hoàn thành việc tổng hợp thông tin theo tháng chậm nhất là ngày mùng 04 của tháng sau.
- Đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo quy chế hiện hành. Việc đánh giá học sinh phải đảm bảo: công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện. Kết quả đánh giá và xếp loại học sinh phải được thông báo cho gia đình học sinh vào cuối học kỳ và cuối mỗi năm học.
* Giáo viên chủ nhiệm lớp có quyền:
- Dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.
- Dự các cuộc họp của Hội đồng khen thưởng và kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình.
- Cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.
- Được giảm định mức giờ dạy theo quy định.
Điều 7. Công tác thiết bị, thí nghiệm, thư viện
1. Nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm
- Phải lập sổ theo dõi việc sử dụng thiết bị của các giáo viên.
- Thường xuyên lau chùi thiết bị sạch sẽ, khô ráo, sắp xếp thiết được một cách khoa học, dễ bảo quản, dễ lấy và sử dụng.
- Có kế hoạch làm việc cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mượn và trả thiết bị.
- Có kế hoạch mua bổ sung và sửa chữa thường xuyên.
- Không cho cán bộ, giáo viên mượn thiết bị mà không vì mục đích phục vụ giảng dạy.
- Cho mượn thiết bị để mang ra khỏi khu vực trường, nhất thiết phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất.
- Thiết bị hư hỏng, mất trong quá trình sử dụng thì phải lập biên bản và báo cáo hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất.
2. Nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ thư viện
- Lập sổ theo dõi mượn, trả SGK, tài liệu tham khảo của giáo viên và học sinh.
- Cho mượn đúng đối tượng, thu hồi khi hết năm học.
- Thường xuyên bảo quản và vệ sinh, không được để sách, tài liệu mất, ẩm mốc hư hỏng.
- Làm tốt công tác tham mưu cho hiệu trưởng về công tác quản lý thư viện, xây dựng, bố trí phòng đọc cho học sinh, phát huy tính hiệu quả của phòng đọc và xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.
Điều 8. Quy định về chăm sóc y tế đối với học sinh ốm, đau
Trong nhà trường, nếu vì lý do sức khỏe học sinh không thể lên lớp học tập và sinh hoạt được giáo viên bộ môn; giáo viên trực nội trú; giáo viên chủ nhiệm hoặc bạn cùng lớp, cùng phòng đưa đến phòng y tế (bất kì thời gian nào trong ngày) thì nhân viên y tế chịu trách nhiệm:
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
- Nếu thấy cần thiết, nhân viên y tế trực tiếp đưa học sinh đi cấp cứu hoặc khám bệnh tại trung tâm y tế; phòng khám gần nhất và thông báo tình trạng sức khỏe của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp và gia đình học sinh đó.
Điều 9. Chức năng nhiệm vụ của tổ Văn phòng
- Lưu giữ, bảo quản các loại hồ sơ sổ sách trong nhà trường; hồ sơ học sinh theo đúng quy định hiện hành.
- Quản lý và sử dụng con dấu theo đúng quy định.
- Tiếp nhận công văn đến, trình BGH phê duyệt và triển khai; phát hành công văn đi; tổ chức lưu giữ công văn đi, đến theo đúng quy định.
- Tham mưu với BGH về việc tổ chức vệ sinh và giữ gìn vệ sinh; tổ chức duy tu, bảo quản và xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp; mua sắm, sửa chữa tài sản thiết được phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường.
- Phối hợp với các bộ phận chức năng trong nhà trường trong việc thực hiện trật tự, nề nếp công tác của viên chức, giáo viên và nhân viên.
- Chủ động tham mưu với BGH về việc xây dựng và triển khai thực hiện các điều kiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh.
- Giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc của nhà hieuj bộ, tổ văn phòng nhà trường; tổ chức bảo vệ tài sản của nhà trường và giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự trong toàn trường.
- Thực hiện công tác tài chính, kế toán theo đúng quy định hiện hành của nhà nước; đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý chi tiêu.
III. LỀ LỐI CÔNG TÁC VÀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỌP TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều 10. Lề lối làm việc trong nhà trường
Triệt để thực hiện nguyên tắc “Tập trung, dân chủ”; nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên”; nguyên tắc “Công khai, minh bạch” trong tất cả các lĩnh vực công tác. Mọi quyết sách trong nhà trường đều phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và phù hợp với điều kiện chung của nhà trường. Kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, cửa quyền, hách dịch làm phương hại tới lợi ích tập thể và đi ngược lại xu thế chung của nhà trường.
Ban giám hiệu trước khi triển khai bất kỳ một chủ trương mới, một quyết định mới đều phải trưng cầu ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên và chỉ thực hiện khi có trên 50% cán bộ, giáo viên được hỏi đồng ý.
Hiệu trưởng điều hành công việc thông qua Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng và các giáo viên chủ nhiệm lớp.
Phó Hiệu trưởng điều hành công việc được phân công thông qua tổ trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Các tổ trưởng điều hành công việc trong tổ thông qua các tổ viên; nếu được BGH cho phép thì có thể điều hành và quản lý học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp.
Bí thư và Phó Bí thư Đoàn trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh về nề nếp sinh hoạt và học tập; điều hành hoạt động của Đoàn trường theo Điều lệ Đoàn và theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của Hiệu trưởng. Bí thư và Phó Bí thư Đoàn trường nếu có nhu cầu điều động học sinh tham gia các hoạt động tập thể phải được Hiệu trưởng đồng ý.
Giáo viên và nhân viên khi có nguyện vọng cần đề đạt với tổ trưởng để giải quyết. Trong trường hợp nguyện vọng vượt quá thẩm quyền thì tổ trưởng cần trình để BGH xem xét giải quyết (khi trình cần đề xuất luôn phương án giải quyết). Giáo viên và nhân viên chỉ đề đạt trực tiếp nguyện vọng với BGH trong trường hợp thật sự cần thiết. BGH sau khi giải quyết nguyện vọng cần thông báo kết quả cho tổ trưởng - người trực tiếp quản lý giáo viên, nhân viên đó.
Học sinh trong toàn trường nếu có nguyện vọng, thắc mắc hoặc kiến nghị gì cần trình giáo viên chủ nhiệm để giải quyết. Nếu nguyện vọng của học sinh vượt quá thẩm quyền cho phép thì GVCN trình BGH để giải quyết. Mọi ý kiến đề xuất của học sinh đều phải được trình bày bằng đơn. Trong trường hợp cần thiết học sinh có thể gặp trực tiếp BGH nhưng phải có giáo viên chủ nhiệm đi cùng.
Điều 11. Quan hệ công tác của Ban giám hiệu với tổ chức Đảng và các Đoàn thể
Ban giám hiệu, Công đoàn và Đoàn thanh niên trong nhà trường chịu sự lãnh đạo và kiểm tra của Ban chi ủy trong nhà trường và tổ chức Đảng cấp trên. Ban giám hiệu, Công đoàn và Đoàn thanh niên phải thường xuyên báo cáo với tổ chức Đảng về kế hoạch công tác của mình. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức Đảng có thể yêu cầu BGH, Công đoàn và Đoàn thanh niên điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.
Ban giám hiệu phải thường xuyên quan tâm chăm lo tới hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên. Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học. BGH tạo mọi điều kiện thuận lợi trong điều kiện pháp luật cho phép để Công đoàn, Đoàn thanh niên hoạt động theo phạm vi chức trách của mình. BGH không làm thay, không được trực tiếp lãnh đạo hoặc can thiệp vào quá trình công tác của Công đoàn và Đoàn thanh niên mà chỉ được phối hợp công tác.
Mọi cá nhân trong cơ quan phải tham gia nghiêm túc, nhiệt tình các hoạt động của Công đoàn và Đoàn thanh niên khi các hoạt động đó đã được Chi bộ Đảng hoặc Ban giám hiệu phê duyệt.
Khi cần tổ chức hội họp hoặc tổ chức các hoạt động tập thể Công đoàn, Đoàn thanh niên phải thống nhất với BGH để lên kế hoạch thực hiện.
Điều 12. Chế độ trực lãnh đạo và hội họp, giao ban trong nhà trường
1. Thời gian làm việc và trực lãnh đạo của BGH, Công đoàn, Đoàn trường
a) Đối với Hiệu trưởng: Làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 theo giờ hành chính. Buổi sáng từ 07h00’ đến 11h30’, buổi chiều từ 13h30’ đến 17h00’.
b) Đối với Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, tổ trưởng: Phân công trực lãnh đạo theo lịch.
c) Đối với Đoàn trường: Bí thư và Phó Bí thư phân công Ban chấp hành và các đoàn viên trực nề nếp đầu và cuối buổi học.
- Ca sáng: từ 07h00’ đến 11h30’;
- Ca chiều: từ 13h30’ đến 17h00’.
2. Họp cơ quan được tổ chức một tháng một lần vào chiều ngày thứ 2 tuần đầu của tháng (thời gian từ 14h00’).
Trước khi tổ chức họp tổ trưởng các tổ, Bí thư Đoàn thanh niên, Bí thư Chi đoàn giáo viên, Chủ tịch Công đoàn, Phó Bí thư Đảng bộ xây dựng kế hoạch công tác của tổ chức do mình phụ trách, bao gồm: đánh giá công tác tháng trước và kế hoạch công tác tháng tiếp theo. Kế hoạch công tác phải được gửi cho thư ký Hội đồng vào thứ sáu của tuần trước so với tuần tổ chức họp.
3. Họp tổ: Tổ chức họp tổ ít nhất 02 tuần một lần vào các tuần chẵn (tính theo 37 tuần thực học trong năm học). Trong đó có ít nhất một tuần sinh hoạt theo chuyên đề. Tổ trưởng đăng ký với BGH về lịch họp cảu tuần sau (Trước thứ bảy trong kế hoạch hàng tuần) và nội dung của chuyên đề. Cuộc họp tổ do các tổ trưởng trực tiếp tổ chức điều hành.
4. Họp giao ban công tác lãnh đạo
Tổ chức 02 tuần một lần vào hồi 14h00’ngày thứ 2 các tuần 1,3 của tháng
Thành phần: Ban giám hiệu; Chủ tịch Công đoàn; Bí thư Đoàn trường; tổ trưởng các tổ; thư ký hội đồng, trưởng các Ban và giáo viên chủ nhiệm.
Ban giám hiệu; Chủ tịch Công đoàn; Bí thư Đoàn trường và tổ trưởng các tổ, trưởng các Ban xây dựng kế hoạch công tác bao gồm: Đánh giá công tác tuần trước và kế hoạch công tác tuần tiếp theo, gửi cho thư ký hội đồng trường trước ngày thứ bảy của tuần; Thư ký hội đồng tổng hợp báo cáo trình Hiệu trưởng trước sáng thứ 2 hàng tuần.
Điều 13. Yêu cầu chung đối với các cuộc họp trong nhà trường
Các cán bộ giáo viên, nhân viên thuộc thành phần cuộc họp phải đi họp đầy đủ, đúng giờ. Trong khi họp không được nói chuyện và làm việc riêng; không được tự ý ra ngoài; không được sử dụng điện thoại di động, điện thoại di động phải đặt ở chế độ yên lặng hoặc tắt nguồn. Trong trường hợp cần thiết phải giao dịch điện thoại thì phải xin phép chủ tọa và giao dịch bên ngoài cuộc họp. Các ý kiến thảo luận trong cuộc họp phải được phát biểu trên tinh thần xây dựng, mô phạm và tôn trọng người đối thoại. Các ý kiến phản đối với ý kiến của chủ tọa phải nêu rõ lý do, đồng thời phải đề xuất phương án thay thế.
 Ý kiến kết luận của chủ tọa tại cuộc họp sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi cuộc họp kết thúc. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên không đồng ý với kết luận trên có thể kiến nghị với BGH hoặc cấp quản lý cấp trên, trong thời gian chờ BGH hoặc cấp quản lý cấp trên giải quyết, công việc trong nhà trường vẫn phải thực hiện theo kết luận của chủ tọa.
IV. HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ THỂ THAO TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều 14. Mọi cán bộ, giáo viên và nhân viên khi được bố trí tham gia các hoạt động VHVN, TDTT hoặc các hoạt động tập thể do nhà trường tổ chức đều phải tham gia nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao. Người được Hiệu trưởng giao vai trò phụ trách phải xây dựng kế hoạch trình Hiệu trưởng phê duyệt và chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả.
Các hoạt động thể thao dành cho cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường được tổ chức 03 buổi/ tuần vào hồi 17h15’ các buổi chiều thứ 3, 4 và thứ 5 (khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia nhiều hơn các buổi quy định). Cá nhân không tham gia phải báo cáo và có lý do chính đáng. Giao BCH Công đoàn cử người lập sổ theo dõi, chấm công đối với hoạt động này, lấy đó làm căn cứ báo cáo, đề xuất đánh giá, xếp loại viên chức hoặc đề xuất khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất.
V. QUY ĐỊNH VỀ LỖI VI PHẠM QUY CHẾ CHUYÊN MÔN
Điều 15. Các lỗi mà cứ mỗi lỗi được tính là một lần vi phạm
1. Tự ý bỏ tiết dạy (theo thời khóa biểu) hoặc nghỉ chào cờ chưa được sự nhất trí của Hiệu trưởng.
2. Không sử dụng thiết bị tối thiểu cho tiết dạy theo quy định chung.
3. Lên lớp không có giáo án tiết giảng đó; đề kiểm tra không có đáp án biểu điểm; tự ý thay đổi kết quả học tập của học sinh.
4. Giáo viên chủ nhiệm không quan tâm đến sĩ số học sinh cả tiết chính khóa, ngoại khóa và tự học; để Ban giám hiệu phát hiện học sinh vi phạm nội quy đến lần thứ 2 mà GVCN không biết.
5. Ra đề kiểm tra sai kiến thức cơ bản, chấm bài kiểm tra của học sinh không đúng hướng dẫn chấm hoặc chấm sai làm ảnh hưởng đến kết quả xếp loại của học sinh.
6. Để lộ đề kiểm tra trong quá trình biên soạn, sao in; thiếu trách nhiệm trong công tác coi kiểm tra làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại học sinh; dung túng để học sinh sử dụng tài liệu tùy theo mức độ xử lý theo quy định của nhà trường, pháp luật.
7. Có đến 02 lần thực hiện yêu cầu đột xuất của cấp trên không hiệu quả và đúng thời gian quy định.
8. Từ chối hoặc cố tình không thực hiện nhiệm vụ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động chuyên môn chung của tổ, nhà trường.
9. Có hành vi xúc phạm nhân phẩm của CB, GV, NV và học sinh.
10. Thu tiền của học sinh trái với quy định; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
11. Tự ý cắt xén chương trình, kiểm tra, chấm, trả bài, nộp bài thi, kiểm tra không đúng tiến độ, sai, thiếu…
12. Để lộ lọt bí mật Nhà trường chưa được phép công bố hoặc bí mật Nhà nước theo quy định.
Điều 16. Các lỗi mà cứ hai lỗi được tính là một lần vi phạm
1. Ra hoặc vào lớp không đúng thời gian quy định.
2. Tự ý bỏ trực nề nếp đầu hoặc cuối buổi học.
3. Tự ý bỏ sinh hoạt tổ chuyên môn.
4. Cập nhật điểm chậm từ 02 ngày trở lên so với quy định của trường.
5. Không thực hiện treo lịch báo giảng hoặc treo muộn so với quy định chung.
6. Nhận xét, đánh giá hoặc phê sổ đầu bài không chính xác so với quy định chung.
7. Không sử dụng thiết bị, thí nghiệm vào giảng dạy, đối với các thiết bị mà trường hiện có (không thuộc thiết bị tối thiểu).
8. Không có Sổ tổng hợp.
9. Cố tình vi phạm trang phục công sở.
10. Giáo viên chủ nhiệm không thực hiện chấm công học sinh nghỉ học, bỏ tiết trong Sổ ghi tên ghi điểm hoặc bảng chấm công học sinh theo quy định của nhà trường.
Điều 17. Xử lý vi phạm
Cán bộ, giáo viên hoặc nhân viên nếu vi phạm sẽ được xử lý như sau:
- Mắc lỗi được tính đến 2 lần vi phạm: Khiển trách (Không hoàn thành nhiệm vụ tháng).
- Mắc lỗi được tính đến 3 lần vi phạm: không xét thi đua cao (Hoàn thành nhiệm vụ trong học kỳ đó).
- Mắc lỗi được tính đến 4 lần vi phạm: không xét thi đua cao (Hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đó).
- Mắc lỗi được tính đến 5 lần vi phạm: không xét thi đua (Không hoàn thành nhiệm vụ cả năm).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Toàn thể CBQL, giáo viên, nhân viên nhà trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm để đánh giá làm căn cứ đánh giá, xếp loại hoặc bị xử lý kỷ luật theo quy định.
2. Quy chế này đã được xin ý kiến và thống nhất trong toàn thể CBQL, giáo viên, nhân viên nhà trường, các quy định trước đây đều bãi bỏ và có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có nội dung nào chưa phù hợp sẽ được xem xét bổ sung hoặc sửa đổi cho kịp thời và phù hợp./.
                                 
 

Tác giả bài viết: Trần Huy Hoàng

Nguồn tin: Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng, Tủa Chùa, Điện Biên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây