Phụ huynh rước con chẳng thèm nhìn mặt cô giáo là ai
- Thứ bảy - 10/10/2015 07:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phụ huynh rước con chẳng thèm nhìn mặt cô giáo là ai
- Vụ việc cô giáo mầm non trói chân, nhét khăn vào miệng trẻ đang gây rúng động dư luận những ngày qua. Tuy nhiên, liệu phụ huynh nói riêng và dư luận nói chung đã có một cái nhìn công bằng với các cô giáo mầm non?Một lớp học mầm non. Ảnh minh họa |
Những phụ huynh có con đi học mầm non bắt đầu tỏ ra hoang mang và không khỏi đặt câu hỏi trong đầu “liệu con mình đã từng là nạn nhân?”, “liệu cô giáo vẫn hằng ngày tươi cười với mình có phải là kẻ nhẫn tâm?”…
Ai có con đi học mầm non đều hiểu rõ công việc của các cô giáo rất vất vả. Không tính những trường mầm non quốc tế cao cấp, ở một trường mầm non bình thường, trung bình mỗi cô phải quản ít nhất 5 cháu. “Quản” ở đây gồm cho ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân, dạy múa hát, học hành… Hàng trăm thứ việc đổ lên đầu các cô, đó là chưa kể phụ huynh nào cũng muốn con mình được các cô quan tâm nhất, chăm sóc tốt nhất.
Nếu như ở nhà chúng ta phải làm mẹ của một đứa trẻ thì ở lớp, các cô giáo phải làm mẹ của vài đứa trẻ cùng một lúc. Đã bà mẹ nào đủ tự tin nói chưa bao giờ hoặc sẽ không bao giờ phát vào mông con một cái hay sẵng giọng đe nẹt con khi con không vâng lời?
Lãnh đạo một trường mầm non ở Bến Tre chia sẻ, thời gian làm việc của giáo viên mầm non thường từ 6 giờ sáng tới 8 giờ tối mỗi ngày, chưa kể những lúc hội họp vào cuối tuần. “Đặc thù của giáo viên mầm non là phải biết đủ mọi lĩnh vực: từ hát, múa, vẽ tranh, đọc truyện đến nấu ăn. Mỗi ngày, các hoạt động này luôn thay đổi, đòi hỏi giáo viên phải dành ra toàn bộ thời gian của mình cho việc chuẩn bị và giảng dạy, không còn thời gian cho gia đình, con cái” – vị hiệu phó trường mầm non nói.
Theo kết quả khảo sát 300 giáo viên ở các trường mầm non tư thục, có đến 80% người được hỏi muốn có một công việc khác.
Cô H - một giáo viên mầm non chia sẻ với tờ Tuổi Trẻ: "Nhiều lúc thấy rất buồn và nản. Chuyên môn thì ngày càng nặng. Phụ huynh vào rước con, nhiều khi chẳng thèm nhìn mặt cô giáo là ai. Họ nghĩ chúng tôi đã lén lút đánh đập, hành hạ gì con họ như những trường hợp bảo mẫu mà báo đài đã đưa”.
Những dịp lễ 20/11, một số phụ huynh còn tự cho con mình nghỉ học rồi mang phong bì dúi vào túi áo cô H. “Lúc ấy tôi rất tủi thân. Có tặng quà hay không thì tôi vẫn chăm các con. Ngay cả sau này, khi may đồng phục trường, tôi nói với chị thợ may là đừng gắn túi. Chị ấy liền ghẹo tôi chuyện phong bì. Tôi cảm thấy rất buồn” - cô H. tâm sự.
Trong khi đó, cô giáo tên Thoa thì bức xúc khi chia sẻ chuyện phụ huynh quá nuông chiều con cái khiến các cô giáo mầm non khó răn dạy các cháu. “Có lần một bé vô tình đùa trúng bạn ngồi sau. Phụ huynh thấy được, liền đi thẳng vô trong lớp đánh bé kia. Tôi kịp thời chạy vào ngăn lại nhưng phụ huynh kia tỏ ra rất giận dữ”.
Một sinh viên khoa giáo dục mầm non – tiểu học băn khoăn khi công việc thì vất vả mà lương lại thấp. “Không biết sau này ra trường cuộc sống sẽ như thế nào”.
Quay trở lại với vụ việc ở Trường Mầm non Sơn Ca (Quảng Bình), theo chia sẻ của chủ cơ sở, 3 bảo mẫu liên quan đến vụ việc đều là những cô giáo trẻ, một cô mới làm được 3 tháng, 2 cô làm được khoảng 1 năm. Các cô đều chưa được ký hợp đồng và thu nhập mỗi cô chỉ từ 1,5 triệu – 2 triệu/ tháng.
Không có lý do nào có thể bao biện được cho những hành vi gây tổn thương tinh thần và thể chất một đứa trẻ, song với mức thu nhập đó, liệu một người bình thường có đủ yêu nghề để bỏ qua mọi khó khăn cơm áo, để lăn lộn vì một công việc có thể gọi là làm dâu trăm họ được hay không?
Anh Nguyễn Đoàn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Gia) cho rằng thật đáng tiếc khi nhiều phụ huynh phải chứng kiến những hình ảnh đã phần nào làm vấy bẩn lên hình ảnh và hình tượng của những cô giáo mầm non. “Nhưng khi xã hội nhìn nhận vào đó cũng không nên và đừng vơ đũa cả nắm khi cho rằng cô giáo mầm non nào cũng như vậy và hãy có cái nhìn công bằng hơn với nghề giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non chịu rất nhiều áp lực, thậm chí còn được nhiều phụ huynh coi như một nghề osin vì họ phải làm từ soạn giáo án, lau nhà, thay quần áo, tắm rửa cho trẻ và kiêm người thầy”.
Hình ảnh cô giáo mầm non bị nôn trớ đầy người được anh Nguyễn Đoàn chia sẻ |
Sau đó hãy để ý tới những yêu tố về chương trình đào tạo, phong cách làm việc của giáo viên xem tình cảm của cô với trẻ, vì họ là người dạy và tiếp cận với trẻ nhiều nhất, một điều nữa phụ huynh cũng đừng quá trú trọng đến cơ sở vật chất phải quá hoành tráng, vì quan trọng là giáo viên họ tận dụng cơ sở vật chât đó để dạy gì và như thế nào cho con cái quý vị”.
Hà Thủy (tổng hợp)