Lầu A Sử (18 tuổi) sinh ra trong gia đình thuần nông tại xã Tả Sìn Thàng, thuộc huyện miền núi Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nơi em ở, bao đời nay người dân chỉ quen sống với con trâu, cái cày, đồng lúa, ít học hành. Cả bản hơn 600 người mà từ trước đến nay có duy nhất một bạn mang được chiếc bằng cử nhân về. Nhà gồm 6 anh chị em, Lầu A Sử cũng là người đầu tiên học hết cấp ba. Các anh chị khác, người không đến trường, người chỉ tốt nghiệp lớp 9.
|
Lầu A Sử - thí sinh người Mông (Điện Biên) dự thi ngành Y đa khoa, đại học Y Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nhiều năm trước gia đình Lầu A Sử thuộc diện hộ nghèo của xã. Bữa ăn hàng ngày chỉ có cơm với rau, một tháng mới có ít thịt để cả nhà thưởng thức. Ngoài con trâu, con bò, thứ quý giá nhất trong nhà Lầu A Sử là chiếc xe máy cũ để gia đình đi ra huyện được thuận tiện. Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Lầu A Sử chăm chỉ cày cuốc, chăn trâu. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nam sinh người Mông tạm gác việc ôn đại học, đi cấy gặt giúp gia đình.
Nỗi nhọc nhằn của nhà nông hun đúc cho em động lực học hành để thoát nghèo. "Em thích đi học hơn vì không phải chăn trâu, cày đồng. Làm nông nghiệp vất vả mà kinh tế thu về được ít lắm", với chất giọng còn lơ lớ, nói tiếng Kinh chưa sõi, Lầu A Sử thật thà chia sẻ.
Chỉ vào đôi bàn chân với những móng thâm đen như bầm dập, nam sinh người Mông cười hiền bảo, do bị đập vào đá trên đường đi bộ đến trường. Lớp học cách nhà 20 km, những ngày gia đình bận không chở xe máy đưa em tới được, Sử một mình đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ. Chưa một lần trong suốt 12 năm, em nghỉ học vì lười biếng.
|
Nhà ở trên núi, cách xa trường 20 km, những hôm gia đình bận không chở Sử đi học, em phải cuốc bộ tới lớp. Đường xa, đá gồ ghề khiến các móng thâm đen như bầm dập. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Năm nay, Lầu A Sử dự thi khối B vào đại học Y Hà Nội. Em cho biết, vì thích ngành học này nên khi thầy giáo đưa cuốn "Những điều cần biết", Sử đã chọn trường Y luôn. "Em hay đi qua trạm xá xã chơi, thấy bác sĩ mặc áo blouse trắng, em thích lắm. Cả xã chỉ có một bác sĩ, từ bản đi bộ lên trạm xá cũng mất đến 2 tiếng. Em mong được học ngành Y để sau về trợ giúp bà con", A Sử ngượng ngùng chia sẻ.
Chàng trai người Mông cũng hồn nhiên "thú nhận", khi đăng ký chọn trường em không hề biết điểm đầu vào cao chót vót của đại học Y Hà Nội. Hay tin, mùa tuyển sinh 2013 nhiều sĩ tử đạt 27 điểm vẫn bị trượt, Lầu A Sử có một chút lo âu bởi mình chỉ là học sinh khá của lớp 12, trường THPT xã Tả Sìn Thàng. Tuy nhiên, với ước mơ được giúp sức mọi người, niềm yêu thích áo blouse trắng, Lầu A Sử tự nhủ sẽ làm bài hết sức để cố gắng đỗ đạt.
Không như nhiều sĩ tử khác, được người thân đi cùng chăm sóc, Lầu A Sử một mình xuống Hà Nội dự kỳ thi đại học. Em cho biết, vì bố mẹ không biết nói tiếng Kinh, các anh chị cũng chưa rành ngôn ngữ này lắm nên em tự thân vận động.
Trước khi đi, cả nhà gom góp cho Lầu A Sử được 2 triệu đồng, riêng tiền xe đã ngốn mất của em một triệu. Sử bảo, "chẳng dám tiêu gì vì mới có 2 ngày đi xe xuống đây đã dùng hết 500.000 đồng. Mọi người ở bản đều bảo Hà Nội đắt đỏ nên trước khi đi em đã tính phải ăn ít để tiết kiệm".
|
Thí sinh người Mông được gia đình cho 2 triệu đồng đi thi đại học. Em mang theo ít sách vở ôn tập và hai bộ quần áo để thay mặc trong 4-5 ngày xuống thủ đô. Ảnh:Quỳnh Trang. |
Lần đầu xuống thủ đô, thí sinh người Mông không khỏi bỡ ngỡ vì "ở đây bằng phẳng, đông đúc nhìn mãi vẫn không thấy núi, khác nhiều so với quê em". May mắn khi vừa đặt chân xuống bến xe, Lầu A Sử được tình nguyện viên trong CLB Mùa hè xanh giúp đỡ, đưa về chùa Bằng cho ăn, ngủ miễn phí.
Tối 8/7, nhà chùa lại làm lễ cầu may cho sĩ tử thi đại học đợt 2. Nhận được sự trợ giúp nhiệt tình, thí sinh người Mông xúc động lắm. "Nếu đỗ vào đại học, sau này em cũng làm tình nguyện viên tiếp sức mùa thi", Sử vui vẻ nói.